Thủ tục phê duyệt các dự án GEF tại Việt Nam

Theo Quyết định số 2345/QĐBTNMT ngày 7/12/2009 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường về việc ban hành quy chế xây dựng, đồng thuận, vận động, quản lý và giám sát việc thực hiện dự án Quỹ Môi trường toàn cầu, thủ tục phê duyệt sẽ theo những bước sau:

• Xây dựng ý tưởng dự án GEF (PIF): tất cả các tổ chức và cơ quan làm việc về ĐDSH, BĐKH, suy thoái đất, các vùng nước quốc tế, các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy (POP), tham vấn với Văn phòng GEF và phối hợp với các cơ quan thực hiện GEF đề xuất ý tưởng dự án vận động tài trợ của GEF trong lĩnh vực tương ứng. Đề xuất dự án phải đáp ứng cả ưu tiên quốc gia và các ưu tiên GEF. Ý tưởng dự án GEF phải được GEF Việt Nam xem xét đồng thuận trước khi gửi GEF để vận động tài trợ. Trường hợp đề xuất GEF hỗ trợ kinh phí xây dựng văn kiện dự án thì phải nêu rõ trong ý tưởng dự án GEF.

• Đồng thuận đối với ý tưởng dự án GEF: Ý tưởng dự án và hồ sơ đề nghị đồng thuận cần gửi tới GEF Việt Nam để xem xét GEF kèm theo phiếu đánh giá đến các thành viên Ban Chỉ đạo GEF Việt Nam để xin ý kiến. Sau khi nhận được ý tưởng dự án đã được bổ sung, hoàn thiện theo ý kiến của Ban Chỉ đạo, Đầu mối tác nghiệp của GEF Việt Nam thông báo sự đồng thuận của Việt Nam với GEF và các bên liên quan.

• Xây dựng văn kiện dự án: Cơ quan thực hiện dự án chủ trì, phối hợp với Cơ quan thực hiện của GEF tổ chức vận động các bên liên quan thông qua văn kiện dự án. Đầu mối tác nghiệp của GEF Việt Nam có trách nhiệm điều phối, hướng dẫn việc vận động GEF thông qua văn kiện dự án GEF đã được GEF Việt Nam đồng thuận.

• Vận động GEF thông qua văn kiện dự án: Cơ quan thực hiện dự án chủ trì, phối hợp với các cơ quan thực hiện của GEF tổ chức vận động các bên liên quan thông qua văn kiện dự án. Việc thay đổi văn kiện dự án khác với mục tiêu, nội dung chính của ý tưởng dự án GEF đã được GEF Việt Nam đồng thuận phải thông báo với GEF Việt Nam.

• Phê duyệt dự án từ Chính phủ Việt Nam: Sau khi GEF phê duyệt văn kiện dự án, cơ quan đề xuất dự án chuẩn bị đề cương dự án theo quy định. Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ tổng hợp ý kiến đóng góp từ các Bộ nghành và các cơ quan, yêu cầu cơ quan đề xuất dự án xem xét và tổng hợp các ý kiến đóng góp này vào đề cương dự án và trình Thủ tướng phê duyệt danh mục dự án. Trong trường hợp các Bộ nghành có quan điểm về tổng thể khác với văn kiện dự án ban đầu đã được GEF phê duyệt thì Văn phòng GEF, cơ quan đề xuất dự án và cơ quan thực hiện sẽ cần đàm phán với GEF lần nữa để đạt được nhất trí.