Đóng góp của GEF đối với phát triển bền vững tại Việt Nam

Nếu ai đó muốn tìm hiểu và đánh giá ảnh hưởng các hoạt động của GEF tới Việt Nam thì có thể đến thăm ông Phan Trọng Xuân. Ông từng sống trong khu vực cách kho thuốc trừ sâu có chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy (POP) 5 mét tại thôn Mậu 2, xã Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An. Các loại thuốc trừ sâu gây ô nhiễm đất, nước và mùi khó chịu tràn ngập trong làng. Nhiều người trong làng mắc phải các vấn đề về sức khỏe: một số đã chết vì ung thư.

Dự án GEF/UNDP về Xây dựng năng lực nhằm loại bỏ hóa chất bảo vệ thực vật POP tồn lưu tại Việt Nam (2010 – 2015) đã giúp loại bỏ thuốc trừ sâu tồn lưu ở thôn Mậu 2, một trong những khu vực thí điểm của dự án. Chất lượng môi trường và sức khỏe của người trong thôn đã được cải thiện. Dự án đã có tác động đến quốc gia và địa phương, cụ thể đã xử lý được gần 1000 tấn đất ô nhiễm nghiêm trọng trên toàn quốc.

Đây chỉ là một ví dụ cho việc làm thế nào – nhờ có sự hỗ trợ của GEF tại Việt Nam – nhiều vấn đề môi trường nghiêm trọng quốc gia đã và đang được từng bước giải quyết.

Tăng cường các khuôn khổ chính sách và pháp lý để giải quyết việc tiêu thụ động vật hoang dã bất hợp pháp – và nâng cao nhận thức về sự cần thiết thay đổi hành vi – cũng hỗ trợ thành công của GEF, trong thời gian này thông qua dự án GEF/WB (2012 – 2015) “Tăng cường công tác bảo tồn đa dạng sinh học thông qua cải cách chính sách và thay đổi thực trạng tiêu thụ các loài động vật hoang dã ở Việt Nam”. Dự án này đã hỗ trợ thành lập, điều phối sự phối hợp giữa các bộ, nghành, các tổ chức phi chính phủ trong nước và quốc tế, khu vực tư nhân, các tổ chức chính trị-xã hội và cộng đồng để hỗ trợ cho các nỗ lực nhằm giảm thói quen tiêu thụ động vật hoang dã.

Như vậy các dự án của GEF đã hỗ trợ việc xây dựng và ban hành các chính sách quốc gia – như chính sách về thuốc trừ sâu POP và luật pháp về tiêu thụ động vật hoang dã – từ đó đóng góp vào các lợi ích môi trường toàn cầu. Hai ví dụ này chỉ là một phần rất nhỏ trong các đóng góp của GEF cho phát triển bền vững của Việt Nam.

Từ năm 1991, Việt Nam đã thực hiện 53 dự án vừa và nhỏ cho tới các dự án quy mô lớn với tổng kinh phí khoảng 135 triệu USD và tham gia vào 45 dự án khu vực và toàn cầu. Mặc dù không phải là quốc gia nằm trong danh mục đầu tư lớn của GEF nhưng Việt Nam đã xây dựng chiến lược để sử dụng và huy động nguồn lực của GEF hiệu quả nhất. Việc này bao gồm: giải quyết các nguyên nhân gốc rễ của sự suy thoái môi trường; nhân rộng các thói quen tốt; hỗ trợ các hoạt động có tính chất đổi mới và có ảnh hưởng sâu rộng; huy động sự ủng hộ và tham gia của toàn xã hội; thể chế hóa chính sách; tạo ra các tác động lớn nhất và thức hiện với chi phí hợp lý – đồng thời thực hiện các giải pháp khả thi có tác động quốc gia và toàn cầu ngày càng tăng tại địa phương.

Để đạt được những cam kết trong các hiệp định về biến đổi khí hậu và các mục tiêu phát triển bền vững sẽ là thách thức lớn  nếu như các hành động kịp thời không được thực hiện. Nguồn tài trợ GEF đóng vai trò quan trọng trong việc giúp đỡ Việt Nam – một đất nước đang phát triển, chịu ảnh hưởng nặng nề bởi biến đổi khí hậu – có các biện pháp thực hiện các cam kết toàn cầu của mình và cân bằng giữa phát triển với môi trường.

Văn Phòng GEF Việt Nam




Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *