Chiều 24/2 tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã tiếp bà Naoko Ishii, Chủ tịch của Quỹ Môi trường toàn cầu (GEF) đang thăm, làm việc tại Việt Nam.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ tiếp bà Naoko Ishii, Chủ tịch của Quỹ Môi trường toàn cầu đang thăm, làm việc tại Việt Nam. Ảnh: VGP/Thành Chung
“GEF nhìn nhận Việt Nam là quốc gia tiên phong thực hiện mô hình thành phố bền vững và chúng tôi sẽ nhân rộng mô hình này ở các quốc gia khác”, bà Naoko Ishii nói.
Chủ tịch Quỹ GEF cũng đánh giá việc Việt Nam đăng cai tổ chức Đại hội của Quỹ trong năm 2018 tại Đà Nẵng thể hiện sự quan tâm của Việt Nam đối với hoạt động bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ bày tỏ cảm ơn Qũy GEF đã giúp Việt Nam rất nhiều trong hỗ trợ, tư vấn kinh nghiệm và thu xếp nguồn vốn thực hiện các dự án liên quan bảo vệ môi trường và chống chọi với biến đổi khí hậu.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh, Việt Nam luôn phấn đấu trở thành thành viên tích cực và có trách nhiệm khi là thành viên của bất cứ tổ chức quốc tế nào. Việc Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ Việt Nam đồng ý đăng cai Đại hội của Quỹ nhiệm kỳ thứ 7 tại Đà Nẵng 2018 là cam kết, biểu hiện sinh động về tinh thần tích cực và trách nhiệm của Việt Nam với GEF.
“Vấn đề môi trường hiện nay đang có tính chất toàn cầu và với Việt Nam là vấn đề quan trọng, bức thiết hiện nay. Chúng tôi đang theo đuổi mô hình tăng trưởng dựa trên đổi mới sáng tạo và trong mô hình này không có chuyện đánh đổi, hy sinh môi trường cho tăng trưởng kinh tế. Việt Nam đang là một trong những nước chịu tác động nặng nề nhất của biến đổi khí hậu nên chúng tôi mong muốn Quỹ GEF và bà Chủ tịch quan tâm, tiếp tục giúp đỡ Việt Nam gắn kết chiến lược phát triển kinh tế-xã hội với chương trình nghị sự phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc”, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nói.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ khẳng định Chính phủ sẽ chỉ đạo các cơ quan liên quan và Đà Nẵng tổ chức thành công, chu đáo Đại hội nhiệm kỳ lần thứ 7 của Quỹ trong năm 2018.
GEF được thành lập năm 1991 nhân sự kiện Hội nghị về môi trường và phát triển lần thứ nhất của Liên Hợp Quốc (Hội nghị thượng đỉnh Trái đất) nhằm giải quyết các vấn đề môi trường nóng trên phạm vi toàn cầu. Với 183 quốc gia thành viên, GEF là tổ chức tài chính độc lập, cung cấp nguồn vốn công lớn nhất trên thế giới cho các dự án về môi trường khi đã viện trợ 14,5 tỉ USD và huy động thêm 75,4 tỉ USD cho gần 4.000 dự án về môi trường.
Việt Nam tham gia GEF từ những năm đầu tiên thành lập và Bộ Tài nguyên và Môi trường là đầu mối GEF của quốc gia. Kể từ khi hoạt động, GEF Việt Nam đã vận động tài trợ 159 triệu USD để thực hiện 57 dự án về môi trường trong nhiều ngành, lĩnh vực và tại nhiều địa phương (đa dạng sinh học, biến đổi khí hậu, suy thoái đất, hóa chất và chất thải, và dự án đa lĩnh vực). Ngoài ra, Việt Nam đã tham gia thực hiện 46 dự án khu vực và toàn cầu của GEF, trị giá 456 triệu USD. Hỗ trợ của GEF đã và đang đóng góp quan trọng và tích cực trong việc giải quyết các vấn đề môi trường ở Việt Nam nói riêng và giải quyết các vấn đề môi trường toàn cầu nói chung.
Nguồn: chinhphu