Hoạt động Suy thoái đất tại Việt Nam
1. Hiện trạng và các vấn đề ưu tiên trong lĩnh vực suy thoái đất tại Việt Nam
Cộng đồng quốc tế từ lâu đã nhận thấy sa mạc hoá là một vấn đề rất rộng liên quan đến cả ba lĩnh vực kinh tế, xã hội và môi trường của nhiều quốc gia trên thế giới. Vì vậy, chống sa mạc hoá vẫn là một vấn đề chính tại Hội nghị thượng đỉnh về Môi trường và Phát triển của Liên hợp quốc (UNCED) tại Rio de Janeiro – Brazil năm 1992. Hội nghị đã nhất trí thông qua một phương pháp tiếp cận đa ngành mới, tập trung vào các hoạt động nhằm thúc đẩy phát triển bền vững ở cấp cộng đồng. Hội nghị cũng yêu cầu Đại hội đồng Liên hợp quốc thành lập một Uỷ ban đàm phán liên chính phủ (INCD) để chuẩn bị văn kiện Công ước chống sa mạc hoá (UNCCD). Tháng 12 năm 1992, Đại hội đồng Liên hợp quốc đã thống nhất thông qua Nghị quyết 47/188 về UNCCD và sau 5 cuộc họp của Uỷ ban đàm phán liên chính phủ, Công ước UNCCD đã được phê chuẩn tại Paris ngày 17 tháng 6 năm 1994 và mở để các bên ký kết vào ngày 14-15 tháng 10 năm 1994. Công ước có hiệu lực vào ngày 26 tháng 12 năm 1996. Đây là một trong 3 công ước Rio về môi trường quan trọng nhất của Liên hợp quốc (UNCCD, UNFCCC, UNCBD). Hội nghị các bên tham gia Công ước lần thứ 5, tháng 10 năm 2001 tại Geneva, Thuỵ Sỹ đã quyết định lấy Ngày 17/6 hàng năm là ngày quốc tế chống sa mạc hoá.
Sa mạc hóa không chỉ là một thách thức lớn về môi trường của thế giới mà còn là một trong những trở ngại chính trong việc đảm bảo các nhu cầu tối thiểu của con người tại những vùng khô hạn. Nhận thức rõ ý nghĩa quan trọng của Công ước, Việt Nam đã ký kết tham gia UNCCD ngày 25/8/1998 và chính thức trở thành thành viên thứ 134 của UNCCD, vào ngày 23/11/1998. Đối với Việt Nam, khái niệm “chống sa mạc hóa” có nghĩa là “chống hoang mạc hóa, chống thoái hóa đất và hạn chế ảnh hưởng của hạn hán”. Theo cách hiểu này, tất cả các hoạt động chống thoái hóa đất và hạn chế ảnh hưởng của hạn hán như chống xói mòn đất, ngăn mặn, ngăn phèn, bảo vệ và phát triển rừng, chống cát di động, quản lý nguồn nước…cần được gắn kết chặt chẽ với xóa đói giảm nghèo trong một chương trình hành động quốc gia chung thông qua các chương trình/dự án đa mục tiêu với các giải pháp cụ thể, có sự tham gia tích cực của nhân dân. Theo Cục Lâm nghiệp, Việt Nam có khoảng hơn 9 triệu ha đất bị hoang hóa, chiếm 28% tổng diện tích đất đai trên toàn quốc, trong đó có 2 triệu ha đất đang sử dụng bị thoái hóa nặng. Ngoài những vùng đất bị hoang mạc hóa, nhiều dải cát ven biển Việt Nam còn bị hiện tượng sa mạc hóa cục bộ, tập trung từ Quảng Bình đến Bình Thuận với diện tích trên 400 nghìn ha và ĐBSCL với diện tích 43 nghìn ha. Hiện Việt Nam đã xác định được 4 địa bàn ưu tiên chống sa mạc hóa là Duyên hải miền Trung, Tây Bắc, Tứ giác Long Xuyên và Tây Nguyên.
2 .Tài trợ của GEF cho các hoạt động trong lĩnh vực Suy thoái đất tại Việt Nam
Kể từ năm 2003, GEF đã chính thức coi chống thoái hoá đất và mất rừng là một trong 6 lĩnh vực ưu tiên của GEF và trở thành cơ chế tài chính chủ yếu của UNCCD. Năm 2006, Việt Nam đã xây dựng Chương trình đối tác quản lý đất lâm nghiệp bền vững – đối tác đầu tiên dành cho việc thực hiện Chương trình hành động quốc gia chống sa mạc hóa 2006-2010 và định hướng tới 2020 do Ngân hàng thế giới, Quỹ Môi trường toàn cầu (GEF), Quỹ Uỷ thác ngành lâm nghiệp (TFF) đồng tài trợ. Đây được coi là mốc quan trọng để tăng cường sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế, đặc biệt là Quỹ Môi trường toàn cầu, trong các hoạt động chống hoang mạc hóa tại Việt Nam.