Hoạt động Quản lý rừng bền vững tại Việt Nam
1. Hiện trạng và các vấn đề ưu tiên trong lĩnh vực quản lý rừng tại Việt Nam
Theo công bố hiện trạng rừng mới nhất của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tính đến ngày 31/12/2015, diện tích rừng để tính độ che phủ toàn quốc là hơn 13,520 triệu ha (độ che phủ đạt 40,84%), kết quả này chủ yếu là do công tác phục hồi rừng và trồng rừng mới. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng chủ động khuyến khích công tác bảo tồn và bảo vệ tài nguyên rừng cũng như giảm tình trạng suy thoái rừng thông qua việc nâng cao năng lực thể chế và áp dụng các phương pháp quản lý rừng bền vững. Trong những năm qua, vai trò quan trọng của rừng và lâm nghiệp trong bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu được thừa nhận rộng rãi, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam là một trong số những quốc gia đã và đang chịu ảnh hưởng ngày càng nặng nề của biến đổi khí hậu.
Cùng với nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế, Việt Nam đã trở thành một trong số những quốc gia đầu tiên tham gia thực hiện sáng kiến giảm phát thải từ việc phá rừng và suy thoái rừng (REDD+ ). REDD+ đã trở thành một yếu tố quan trọng hỗ trợ nỗ lực ứng phó với biến đổi khí hậu không chỉ ở cấp toàn cầu, cấp khu vực mà còn ở cấp quốc gia, đóng góp cho sự phát triển chung của ngành lâm nghiệp Việt Nam.
2. Tài trợ của GEF cho các hoạt động trong lĩnh vực quản lý rừng bền vững tại Việt Nam
Tài trợ cho các dự án REDD+ tại Việt Nam chủ yếu từ nguồn tài chính song phương của chính phủ một số nước và các tổ chức tài chính đa phương, trong 4 nhà tài trợ là tổ chức tài chính đa phương GEF đã tài trợ cho các dự án REDD+ tại Việt Nam là 0,53 triệu Đô la mỹ.
Ngoài ra phải kể tới sự hỗ trợ của GEF trong dự án dự án Phát triển nghành lâm nghiệp. Tổng mức đầu tư của dự án khoảng hơn 100 triệu USD trong đó GEF cấp khoảng 16 triệu đô la giúp bảo tồn và sử dụng bền vững nguồn tài nguyên đa dạng sinh học tại các rừng đặc dụng ưu tiên, bao gồm các vườn quốc gia và khu dự trữ thiên nhiên, và tăng cường đảm bảo cấp vốn quản lý rừng đặc dụng bằng việc tạo một cơ chế tài chính sáng tạo.
Dự án đã tạo cơ sở vững chắc giúp Việt Nam phát triển trồng rừng và xuất khẩu gỗ có chứng nhận trong tương lai. Cẩm nang trồng rừng tiểu điền được dự án hỗ trợ xây dựng đã được thể chế hóa và sử dụng cho các chương trình trồng rừng khác của Chính phủ Việt Nam.