Ngày 26/8/2016, tại Hà Nội, Bộ Xây dựng đã phối hợp với Chương trình phát triển Liên Hợp quốc (UNDP) tổ chức Hội thảo khởi động Dự án “Nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng trong các tòa nhà thương mại và chung cư cao tầng ở Việt Nam”. Thứ trưởng Bộ Xây dựng Đỗ Đức Duy đến dự và chủ trì Hội thảo.
Hội thảo còn có sự tham dự của Bà Louise Chamberlain – Giám đốc quốc gia UNDP tại Việt Nam; ông Lê Trung Thành – Vụ trưởng Vụ KHCN và Môi trường (Bộ Xây dựng) – Giám đốc Dự án; đại diện các Đại sứ quán, các tổ chức quốc tế tại Việt Nam; các Bộ, ngành Trung ương; các Sở Xây dựng địa phương; các Trường Đại học; các Tổng Công ty thuộc Bộ Xây dựng, các Hội, Hiệp hội chuyên ngành Xây dựng.
Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Đỗ Đức Duy cho biết, Việt Nam cũng như nhiều nước trên thế giới đang phải đối mặt với những thách thức trong quá trình phát triển, đặc biệt là vấn đề suy thoái tài nguyên, cạn kiệt nguồn năng lượng hóa thạch, gia tăng phát thải khí nhà kính và ô nhiễm môi trường. Theo thống kê, năng lượng tiêu thụ trong lĩnh vực xây dựng bao gồm cả khu vực dân dụng chiếm khoảng 36-37% tổng tiêu thụ năng lượng quốc gia. Với tỷ lệ tiêu thụ điện năng tăng trưởng bình quân giai đoạn 2016-2020 được dự báo khoảng 10%/năm thì lượng điện năng sử dụng trong lĩnh vực xây dựng và lượng phát thải khí nhà kính cũng sẽ tăng lên đáng kể hàng năm.
Để giảm thiểu những tác động bất lợi của quá trình phát triển, nhằm phát triển đất nước một cách bền vững, Chính phủ Việt Nam đã đưa ra hàng loạt các giải pháp trong Định hướng phát triển bền vững ở Việt Nam, Chiến lược và Kế hoạch hành động Quốc gia về tăng trưởng xanh và trình Quốc hội ban hành Luật sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả (2010). Tiếp theo đó, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 21/2011/NĐ-CP về hướng dẫn thi hành Luật; phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2006-2011 và giai đoạn 2012-2015.
Theo Thứ trưởng Đỗ Đức Duy, các tòa nhà thương mại và chung cư cao đang được phát triển mạnh ở Việt Nam và có mức tiêu thụ năng lượng chiếm tỷ trọng lớn trong các loại hình công trình xây dựng. Ý tưởng về dự án “Nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng trong các tòa nhà thương mại và chung cư cao tầng ở Việt Nam” được hình thành từ năm 2003 và sau nhiều lần xây dựng, hoàn thiện dự thảo để trình cơ quan có thẩm quyền. Đến tháng 7/2015, Dự án đã được Quỹ Môi trường Toàn cầu (GEF) phê duyệt và được Bộ Xây dựng phê duyệt văn kiện dự án vào tháng 3/2016.
Mục tiêu tổng quát của Dự án là giảm lượng phát thải các-bon bằng cách nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng trong các tòa nhà thương mại và chung cư cao tầng ở Việt Nam thông qua việc thực hiện 03 hợp phần chính:
(1) Sửa đổi, bổ sung và tăng cường năng lực thực thi Quy chuẩn Việt Nam “Các công trình xây dựng sử dụng năng lượng hiệu quả”.
(2) Đề xuất các sáng kiến hỗ trợ và phát triển thị trường sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.
(3) Xây dựng và trình diễn một số mô hình mẫu đối với tòa nhà thương mại sử dụng công nghệ năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.
Tại Hội thảo, Thứ trưởng Đỗ Đức Duy đề nghị Sở Xây dựng các địa phương, đặc biệt là các đô thị lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hải Phòng, Cần Thơ chủ động, tích cực phối hợp, tham gia các hoạt động của dự án, nhất là trong việc thực hiện nghiêm túc công tác thẩm tra thiết kế, thẩm định dự án, kiểm tra, nghiệm thu công trình xây dựng trước khi đưa vào sử dụng nhằm đáp ứng các quy định của Quy chuẩn QCVN 09:2013/BXD.
Giám đốc quốc gia UNDP tại Việt Nam – bà Louise Chamberlain cho biết, UNDP đã có kinh nghiệm hỗ trợ sử dụng hiệu quả năng lượng trong các tòa nhà tại hơn 40 quốc gia đang phát triển trên thế giới. Theo bà Louise Chamberlain, việc cải tiến cơ bản và bền vững sử dụng năng lượng hiệu quả trong lĩnh vực xây dựng đòi hỏi những nỗ lực không ngừng của Chính phủ, quan hệ đối tác chặt chẽ giữa tất cả các bên liên quan, và sự nhân rộng và mở rộng quy mô của việc thực hiện các giải pháp xây dựng tòa nhà sinh thái thân thiện.
Bà Louise Chamberlain bày tỏ tin tưởng Dự án sẽ góp phần làm giảm giảm cường độ phát thải khí nhà kính từ lĩnh vực xây dựng tại Việt Nam, tạo cơ sở cho việc cắt giảm phát thải khí nhà kính trực tiếp khoảng 230.000 tấn CO2 trong vòng 4 năm tới. Lượng phát thải này tương đương với khí thải từ 5.000 chiếc xe ô tô chạy 200.000 km/năm, trong khoảng 15 năm. Kết quả này sẽ góp phần vào việc thực hiện cam kết của Việt Nam để giảm khí thải nhà kính 25% tính đến năm 2030 với sự hỗ trợ của quốc tế, như được nêu trong “Báo cáo Dự kiến đóng góp Quốc gia tự quyết định (INDC)”.
Quang cảnh Hội thảo.
Kết luận Hội thảo, Giám đốc Dự án Lê Trung Thành cảm ơn và ghi nhận những ý kiến đóng góp của các đại biểu tại Hội thảo, khẳng định ý nghĩa hết sức quan trọng của Dự án trong việc góp phần giảm cường độ phát thải khí nhà kính từ lĩnh vực xây dựng tại Việt Nam. Ông Lê Trung Thành cũng nhấn mạnh, các giải pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong các công trình xây dựng trong thực thi dự án phải tính đến điều kiện khí hậu và cả điều kiện nguồn nhân lực ở Việt Nam.
Nguồn: Bộ Xây dựng