Cơ quan của GEF

Các cơ quan GEF có trách nhiệm xây dựng các đề xuất dự án và quản lý các dự án của GEF. Các cơ quan GEF đóng một vai trò quan trọng trong việc quản lý các dự án GEF; cụ thể hơn, các cơ quan GEF giúp các chính phủ và các tổ chức phi chính phủ trong việc xây dựng, thực hiện và quản lý các dự án GEF.

Thông qua hợp tác với các cơ quan GEF, danh mục dự án GEF đã nhanh chóng phát triển và đa dạng hóa nhằm hỗ trợ cho các quốc gia đang phát triển và các quốc gia có nền kinh tế chuyển đổi. Hơn nữa, các quan hệ đối tác như vậy đã củng cố thêm nỗ lực của các cơ quan này trong việc lồng ghép hoặc kết hợp các vấn đề môi trường toàn cầu vào các chính sách, chương trình và dự án nội bộ.

Các cơ quan của GEF chủ yếu tham gia vào các hoạt động dự án của GEF trong phạm vi lợi thế của mình.

Từ năm 2012, tám cơ quan mới đã tham gia hợp tác đối tác thông qua cơ chế thí điểm công nhận cơ quan mới. Các cơ quan này được gọi là “Cơ quan dự án GEF” và không có trách nhiệm của tổ chức.

Các cơ quan GEF

  1. Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) có lợi thế cạnh tranh về các dự án đầu tư cấp quốc gia và khu vực tại châu Á cũng như khả năng lồng ghép nội dung tăng cường năng lực và hỗ trợ kỹ thuật vào trong các dự án của mình. ADB có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực tiết kiệm năng lượng, năng lượng tái tạo, thích ứng với biến đổi khí hậu và quản lý tài nguyên bao gồm quản lý nguồn nước và quản lý đất đai một cách bền vững.
  2. Ngân hàng Phát triển châu Phi (AfDB) có lợi thế cạnh tranh của một ngân hàng phát triển khu vực. AfDB tập trung thiết lập hồ sơ các dự án môi trường liên quan đến các lĩnh vực trọng tâm của GEF về biến đổi khí hậu (thích ứng, năng lượng tái tạo và hiệu quả năng lượng), suy thoái đất (phá rừng, sa mạc hóa) và các nguồn nước quốc tế (quản lý nước và thủy sản).
  3. Ngân hàng Tái thiết và Phát triển châu Âu (EBRD) có lợi thế cạnh tranh về kinh nghiệm và hồ sơ trong việc xây dựng và chuyển đổi thị trường; và đảm bảo tính bền vững thông qua khối tư nhân (bao gồm doanh nghiệp vừa và nhỏ) và các dự án cơ sở hạ tầng môi trường đô thị quy mô quốc gia và khu vực tại các nước Đông Âu, Trung Âu và Trung Á, đặc biệt trong các lĩnh vực tiết kiệm năng lượng, lồng ghép đa dạng sinh học với quản lý nước.
  4. Tổ chức Nông lương Liên Hợp Quốc (FAO) có lợi thế cạnh tranh về năng lực kỹ thuật và kinh nghiệm trong ngành thủy sản, lâm nghiệp, nông nghiệp và quản lý tài nguyên thiên nhiên. FAO có nhiều kinh nghiệm trong việc sử dụng bền vững đa dạng sinh học nông nghiệp, năng lượng sinh học, an toàn sinh học, phát triển bền vững trong sản xuất và quản lí thuốc trừ sâu tổng hợp.
  5. Ngân hàng Phát triển Liên Mỹ (IADB) có lợi thế cạnh tranh về các dự án đầu tư cấp quốc gia và cấp khu vực tại châu Mỹ La-tinh và vùng Ca-ri-bê. IADB thực hiện các hoạt động liên quan đến các lĩnh vực trọng tâm của GEF như: Đa dạng sinh học (khu bảo tồn, tài nguyên biển, công nghệ sinh học lâm nghiệp), biến đổi khí hậu (bao gồm cả nhiên liệu sinh học), nguồn nước quốc tế (quản lý rừng đầu nguồn), suy thoái đất (kiểm soát xói mòn), và POPs (quản lý dịch hại).
  6. Quỹ Quốc tế về phát triển nông nghiệp (IFAD) có lợi thế cạnh tranh trong công việc liên quan đến suy thoái đất, phát triển nông thôn bền vững, quản lý đất đai tổng hợp, và có vai trò trong việc thực hiện Công ước chống sa mạc hóa. IFAD hoạt động tích cực ở những vùng hệ sinh thái bị suy thoái, vùng giáp ranh và  những nơi sau xung đột.
  7. Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) có lợi thế cạnh tranh về mạng lưới văn phòng quốc gia trên toàn cầu, kinh nghiệm về phát triển tích hợp chính sách, phát triển nguồn nhân lực, tăng cường thể chế, và sự tham gia của các tổ chức phi chính phủ và cộng đồng. UNDP hỗ trợ các nước trong việc thúc đẩy, thiết kế và thực hiện các hoạt động phù hợp với nhiệm vụ của GEF và kế hoạch phát triển bền vững của các quốc gia. UNDP cũng có nhiều kinh nghiệm tổ chức các chương trình liên quốc gia.
  8. Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc (UNEP) có lợi thế cạnh tranh là cơ quan duy nhất của Liên Hợp Quốc được Đại hội đồng Liên hợp quốc giao nhiệm vụ điều phối lĩnh vực môi trường của Liên Hiệp Quốc. Lợi thế cạnh tranh của UNEP là việc cung cấp kinh nghiệm, những khái niệm cụ thể, thử nghiệm các ý tưởng, và các kiến thức, nội dung khoa học tốt nhất từ đó xác định căn cứ đầu tư. UNEP là Ban thư ký của ba Công ước đa phương về môi trường, mà GEF là cơ chế tài chính thực hiện. Lợi thế cạnh tranh của UNEP cũng bao gồm các khả năng trung gian trong các hoạt động tham vấn đa phương.
  9. Tổ chức phát triển công nghiệp Liên hiệp quốc (UNIDO) có lợi thế cạnh tranh về khả năng huy động sự tham gia của ngành công nghiệp vào trong các dự án của GEF thông qua các lĩnh vực như: hiệu quả năng lượng công nghiệp, dịch vụ năng lượng tái tạo, quản lý nước, quản lý hóa chất (bao gồm POP và ODS) và công nghệ sinh học. UNIDO có nhiều kiến thức về các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) tại các nền kinh tế đang phát triển và các nền kinh tế chuyển đổi.
  10. Ngân hàng Thế giới có lợi thế cạnh tranh của một tổ chức tài chính quốc tế hàng đầu ở quy mô toàn cầu trong một số lĩnh vực, tương tự như lợi thế so sánh của các ngân hàng phát triển khu vực. Ngân hàng Thế giới có nhiều kinh nghiệm trong các đầu tư và cho vay, chủ yếu về xây dựng thể chế, phát triển cơ sở hạ tầng và cải cách chính sách trên tất cả các lĩnh vực trọng tâm của GEF.

Các cơ quan dự án GEF

  1. Tổ chức Bảo tồn Quốc tế (CI) CI hoạt động trên toàn cầu với các quốc gia và huy động sự tham gia của các ngành để đạt được mục tiêu cuối cùng của việc cải thiện sức khỏe con người, đặc biệt tập trung vào các dịch vụ thiết yếu mà thiên nhiên mang lại. Là một Cơ quan dự án GEF, CI sử dụng khoa học, kinh nghiệm vào trong các giải pháp dựa vào tài chính sáng tạo và dựa vào cộng đồng cũng như mạng lưới của họ về doanh nghiệp, tổ chức xã hội, quốc gia và quan hệ đối tác với chính quyền địa phương để thực hiện chương trình hiệu quả và sáng tạo trong các lĩnh vực trọng tâm của đa dạng sinh học , thích ứng và giảm nhẹ biến đổi khí hậu, suy thoái đất và nguồn nước quốc tế.
  2. Ngân hàng Phát triển châu Mỹ Latin (CAF) thúc đẩy mô hình phát triển bền vững thông qua hoạt động tín dụng, và hỗ trợ về cấu trúc kỹ thuật và tài chính của các dự án trong các lĩnh vực công cộng và tư nhân của Châu Mỹ Latin. CAFđóng góp vào phát triển bền vững và hội nhập khu vực thông qua sự huy động các nguồn lực để cung cấp kịp thời nhiều dịch vụ tài chính, với giá trị gia tăng cao, cho các khách hàng trong khu vực công và tư của các nước thành viên.
  3. Ngân hàng phát triển Nam Phi (DBSA) giúp chuẩn bị, cung cấp tài chính và thực hiện các dự án cơ sở hạ tầng bền vững tại một số quốc gia Châu Phi, nhằmcải thiện chất lượng cuộc sống người dân, thúc đẩy giảm  đói nghèo một cách bền vững và sự bất bình đẳng và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trên diện rộng và hội nhập kinh tế khu vực. Các ngành được DBSA tập trung chủ yếu là nước, năng lượng, công nghệ thông tin và giao thông vận tải. DBSA cung cấp dịch vụ cơ bản tại cấp địa phương với các lĩnh vực là y tế, giáo dục và nhà ở.
  4. Văn phòng hợp tác kinh tế đối ngoại, Bộ Bảo vệ Môi trường Trung Quốc (FECO) được thành lập vào năm 1989 và được ủy nhiệm điều phối và quản lý kinh phí dự án hợp tác với các tổ chức tài chính quốc tế để thực hiện các hiệp định đa phương về môi trường (MEAs) và hỗ trợ song phương, cũng như hoạt động hợp tác nước ngoài khác trong lĩnh vực bảo vệ môi trường. FECO có nhiệm vụ bảo vệ môi trường bằng việc giới thiệu và đưa ra ý kiến, kiến thức, công nghệ tiên tiến và gây quỹ.
  5. Fundo Brasileiro para a Biodiversidade (FUNBIO) thúc đẩy thực hiện Công ước về Đa dạng sinh học, có nhiệm vụ cung cấp nguồn lực chiến lược phục vụ cho công tác bảo tồn đa dạng sinh học. Là một cơ chế tài chính tiên phong ở Brazil, FUNBIO đưa ra các giải pháp cho sự bền vững của công tác bảo tồn và các sáng kiến về biến đổi khí hậu. FUNBIO có nhiều kinh nghiệm trong việc hỗ trợ các khu bảo tồn và tạo lập và quản lý các quỹ hỗ trợ, chương trình và các dự án môi trường, hợp tác với cả khu vực công và tư nhân hay tổ chức xã hội.
  6. Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN) tập trung hoạt động tại cấp địa phương và cấp toàn cầu về bảo tồn đa dạng sinh học như một giải pháp để giải quyết một số thách thức lớn của thế giới như biến đổi khí hậu, phát triển bền vững và an ninh lương thực.
  7. Ngân hàng Phát triển Tây Phi (BOAD) thúc đẩy sự phát triển cân bằng của các nước thành viên và góp phần vào thành công của hội nhập kinh tế ở Tây Phi. Ngân hàng đã tài trợ cho các dự án phát triển cơ sở hạ tầng công cộng như hỗ trợ sản xuất, phát triển nông thôn và an ninh lương thực, và các hoạt động bao gồm các dự án thúc đẩy các khối tư nhân, các doanh nghiệp nhà nước và các tổ chức tài chính. Các lĩnh vực tham gia của Ngân hàng là phát triển nông thôn, an ninh lương thực và môi trường, công nghiệp và nông nghiệp, hạ tầng, giao thông vận tải, khách sạn, tài chính và các dịch vụ khác.
  8. Quỹ Quốc tế Bảo vệ Thiên nhiên (WWF-US) là một tổ chức quốc tế hàng đầu về bảo tồn, WWF đã tích cực tham gia các cuộc đàm pháp quốc tế để thành lập GEF tại Hội nghị Thượng đỉnh Trái đất của Liên Hợp Quốc diễn ra đầu tiên tại Rio vào năm 1992. WWF luôn là người ủng hộ các chính sách và hoạt động của GEF, đã tham gia thiết kế và thực hiện hơn 100 chương trình và dự án GEF.