Nguồn kinh phí
GEF quản lí nhiều quỹ ủy thác khác nhau: Quỹ ủy thác môi trường toàn cầu (GEF); Quỹ ủy thác các nước kém phát triển (LDCF); Quỹ biến đổi khí hậu đặc biệt (SCCF); Quỹ thực hiện Nghị định thư Nagoya (NPIF). GEF cũng là ban thư kí tạm thời cho Quỹ thích ứng.
Quỹ môi trường toàn cầu
Quỹ môi trường toàn cầu (GEF) được thành lập tại Hội nghị thượng đỉnh Trái đất Rio năm 1992, GEF hỗ trợ giải quyết các vấn đề môi trường cấp bách nhất trên trái đất. Kinh phí hỗ trợ các dự án do các quốc gia tài trợ. Quỹ được đóng góp 4 năm một lần.
Nguồn kinh phí của GEF do 39 nước hỗ trợ: Argentina, Australia, Bangladesh, Áo, Bỉ, Brazil, Canada, Trung Quốc, Côte d’lvoire, Cộng hòa Séc, Đan Mạch, Ai Cập, Phần Lan, Pháp, Đức, Hy Lạp, Ấn Độ, Indonesia, Ireland, Ý, Nhật Bản, Hàn Quốc, Luxembourg, Mexico, Hà Lan, New Zealand, Nigeria, Na Uy, Pakistan, Bồ Đào Nha, Cộng hòa Slovak, Slovenia, Nam Phi, Tây Ban Nha, Thụy Điển, Thụy Sĩ, Thổ Nhĩ Kỳ, Vương quốc Anh và Hoa Kì.
Kinh phí của GEF hỗ trợ các nước đang phát triển và các quốc gia với nền kinh tế chuyển đổi để đạt được mục tiêu của các công ước và thỏa thuận môi trường quốc tế.
Quỹ biến đổi khí hậu đặc biệt (SCCF)
Quỹ biến đổi khí hậu đặc biệt hỗ trợ thích ứng và chuyển giao công nghệ cho các nước đang phát triển là thành viên của Công ước UNFCCC, hỗ trợ dài hạn hoặc ngắn hạn cho hoạt động thích ứng trong lĩnh vực quản lí tài nguyên nước, quản lý tài nguyên đất, nông nghiệp, phát triển cơ sở hạ tầng, các hệ sinh thái đang bị đe dọa, bao gồm quản lí hệ sinh thái vùng núi và quản lý tổng hợp vùng ven biển.
Năm 2001: Một quỹ tín dụng tự nguyện đã tài trợ cho các hoạt động, giải pháp và các chương trình bổ sung cho các hoạt động được tài trợ từ kinh phí của lĩnh vực biến đổi khí hậu của GEF, cũng như các hoạt động được tài trợ từ nguồn kinh phí song phương và đa phương.
Quỹ ủy thác cho các nước kém phát triển (LDCF)
Quỹ ủy thác cho các nước kém phát triển được thành lập trong khuôn khổ của UNFCCC để cung cấp hỗ trợ cho 51 nước kém phát triển. Đó là các nước dễ bị tổn thương do tác động của biến đổi khí hậu.
LDCF giảm thiểu tính tổn thương cho các ngành và nguồn tài nguyên có vai trò thiết yếu đối với sự phát triển và sinh kế người dân như: nước, nông nghiệp và an ninh lương thực, y tế, quản lí và phòng ngừa các rủi ro thiên tai, hệ thống hạ tầng, các hệ sinh thái dễ chịu tác động.
Quỹ được giao nhiệm vụ hỗ trợ tài chính cho việc chuẩn bị và thực hiện các chương trình quốc gia về thích ứng biến đổi khí hậu (NAPAs). NAPAs sử dụng thông tin có sẵn để xác định ưu tiên quốc gia về thích ứng biến đổi khí hậu. Hiện tại, quỹ LDCF là quỹ duy nhất có chức năng xây dựng và thực hiện các hoạt động của NAPAs.
Quỹ thực hiện Nghị định thư Nagoya (NPIF)
Quỹ Nghị định thư Nagoya hỗ trợ cho các nước tham gia Nghị định thư Nagoya về tiếp cận nguồn gen và chia sẻ công bằng, hợp lý lợi ích phát sinh từ việc sử dụng nguồn gen và tiến tới phê chuẩn Nghị định thư nhằm thúc đẩy quá trình phê chuẩn và thực hiện Nghị định thư. Quỹ hỗ trợ các hoạt động hướng tới xây dựng và thực hiện chia sẻ công bằng, hợp lý lợi ích phát sinh từ việc sử dụng nguồn gen với sự tham gia của khối tư nhân và các đối tác khác.
Năm 2001: Quỹ ủy thác nhiều nhà tài trợ có thể tiếp nhận nhiều khoản đóng góp tự nguyện từ khu vực tư nhân và chính phủ các nước. Khuyến khích sự tham gia của khối tư nhân trong lĩnh vực khám phá các tiềm năng phát triển kinh tế của nguồn gen và thúc đẩy chuyển giao công nghệ. Thông qua các dự án này, các nước có thể hiểu thêm về năng lực và nhu cầu về ABS chú trọng đến các quy định hiện tại liên quan đến nguồn gen.
Các nước Nhật Bản, Thụy Sĩ, Na Uy, Pháp, Anh đã cam kết đóng góp khoảng 14.850.000 USD cho NPIF.
Quỹ ủy thác thích ứng
Quỹ ủy thác thích ứng được thành lập để tài trợ cho các dự án và chương trình thích ứng tại các quốc gia đang phát triển là thành viên của Nghị định thư Kyoto và là các quốc gia dễ bị tổn thương bởi tác động của biến đổi khí hậu. Trong khuôn khổ Cơ chế phát triển sạch, các dự án về giảm thiểu phát thải ở các nước đang phát triển có thể giành được tín chỉ giảm thiểu phát thải có chứng thực (CER), có thể trao đổi và bán với các quốc gia phát triển nhằm đạt được mục tiêu giảm thiểu phát thải trong khuôn khổ Nghị định thư Kyoto.
Nguồn tài chính của quỹ thích ứng chủ yếu do việc bán các giấy chứng nhận giảm thiểu phát thải có chứng nhận. Khoản thu nhập tài chính chiếm 2% giá trị của CERs phát hành cho các dự án của CDM. Quỹ luôn nhận được sự hỗ trợ từ chính phủ, khối tư nhân và các cá nhân. Quỹ thích ứng được giám sát và quản lý bởi Hội đồng quỹ thích ứng.